Chồng tôi thông báo rằng em trai chồng sắp về, là chị dâu nên tôi hãy chuẩn bị món ăn ngon để chiêu đãi em. Tôi thì chưa có dịp được thấy cậu em trai này lần nào. Thời gian chúng tôi gặp gỡ và bên nhau thì cậu ta đã sang nước ngoài xuất khẩu lao động. Thời điểm anh trai cưới, cậu ta cũng không sắp xếp để về, cho đến hiện tại thì mới quyết định hồi hương.

Cậu ta là người hướng nội cực điểm, không sử dụng mạng xã hội, trong nhà lại không có bức ảnh nào của em trai chồng nên tôi không biết mặt mũi ra làm sao. Theo lời chồng tôi thì hai anh em chẳng giống nhau tẹo nào, người thì giống mẹ, người thì giống bố. Sau đám cưới chưa được lâu thì vợ chồng tôi quyết định dọn ra ở riêng. Nếu em trai chồng có lập gia đình thì cậu ta sẽ ở cùng bố mẹ.
Ngày em trai chồng trở về, công việc của tôi là ở nhà chu toàn cơm nước còn bố mẹ chồng cùng anh thì ra sân bay để đón cậu ta.
Thời gian cũng được hơn 3 canh giờ, đứng ở trong bếp nghe tiếng xôm tụ ở ngoài, tôi nghĩ chắc mọi người đã trở về rồi. Háo hức chạy ra, để rồi nhìn gương mặt của người đàn ông trẻ đó bước vào, thấy dáng hình đường nét của cậu ta thì tim tôi chững lại một nhịp, mặt không cử động nổi, chân tay run lẩy bẩy cố kìm nén để không ai nhận ra. Gương mặt ấy, dáng hình ấy, vết sẹo dài trên trán ấy dù có tàn tro thì tôi cũng vẫn có thể nhận ra. Bởi lẽ câu ta chính là nguồn cội mọi khổ đau mà tôi phải chịu đựng suốt những năm qua.

Đó là những ngày tháng tôi vẫn là cô gái trẻ người non dạ, kinh nghiệm sống chưa nhiều lại mới ra trường chưa lâu, công việc bấp bênh khó khăn, bố thì phải điều trị bệnh dài ngày tại viện. Tôi lao đầu vào cày đêm cày hôm, một ngày nhận làm thêm 2, 3 công việc với hy vọng kiếm thêm khoản tiền trang trải cuộc sống. Tối ngày hôm đó cũng như bao hôm, tôi tan làm về muộn, đi ngang đoạn đường vắng thì từ đâu lao đến một chiếc xe máy ở chiều ngược lại. Tôi không kịp định hình gì chỉ thấp thoáng thấy một cậu thanh niên trẻ tuổi.
Thấy tôi đã sóng soài ra đường đau muốn lịm đi, cậu ta liền xuống xe mon men đến lại gần tôi để xem xét tình hình rồi tặc lưỡi: “Tất cả là tại chị đêm hôm còn đi đường đó nhé, chứ lỗi không phải do tôi. Bây giờ mà đưa chị đến bệnh viện, rồi chị lại ăn vạ tôi cho xem. Thôi thì chị thông cảm nhé”. Sau đó cậu ta lên xe rồi mất hút. Thời điểm đó lại vắng vẻ, đêm đã khuya khoắt không có ai nên tôi bế tắc chỉ biết bật khóc sao số mình nó đen đủi thế.
Điện thoại đã vỡ màn hình, tôi nằm đợi mãi thì sau cùng may mắn cũng ló dạng, một người đi đường nhìn thấy đã thương tình đưa tôi vào viện. Vì do bị chấn thương nặng ở vùng bụng, bác sĩ không còn cách nào khác ngoài việc cắt bỏ đi tử cung của tôi. May sao chức năng buồng trứng vẫn có thể hoạt động nên sức khỏe tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng tôi đã vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ mà người phụ nữ nào cũng may mắn có.

Nỗi đau đó đeo bám dai dẳng, giày vò tôi suốt những năm tháng qua mà đến bây giờ vẫn ám ảnh tôi trong từng cơn mơ. Nỗi đau về thể xác đó cũng không bằng cơn đau về tinh thần mà tôi phải chịu đựng. Trong nỗi uất hận khôn nguôi và tiếc nấc nghẹn từng cơn, tôi kể lại mọi sự cho gia đình nhà chồng nghe. Bố mẹ chồng thở dài áy náy, em chồng sau chừng ấy năm cũng đã tu chí và hiểu chuyện hơn nhiều, đã hết lời xin lỗi và thể hiện việc muốn được bù đắp cho tôi. Chồng thì vẫn dành cho tôi tình yêu tuyệt đối, vì ngày xưa kia, dù biết tôi không thể sinh con nhưng anh vẫn bất chấp lấy tôi về. Bây giờ lỗi chính là do em trai của anh nên anh hứa sẽ dành quãng đời còn lại bên cạnh bù đắp cho tôi.
Uất hận vẫn nghẹn ngào từng cơn nhưng sao tôi đành lòng ly hôn được. Em trai chồng có lỗi chứ chồng tôi có tội tình gì. Nếu như ly hôn thì tội anh ấy và bất công với anh ấy quá. Chưa kể là không ai yêu thương tôi và cảm thông cho tôi được như anh. Nhưng tôi cũng muốn được thực hiện thiên chức cao cả của mình. Tôi vẫn có thể thực hiện được chức năng buồng trứng như bình thường và bây giờ tôi đang nghĩ đến phương án mang thai hộ. Không biết thủ tục mang thai hộ có phức tạp và tôi có đủ điều kiện được thực hiện điều đó không? Xin hãy giúp tôi được thực hiện thiên chức cao cả của mình!